Trí tuệ Nhân Tạo AI

Trang chủ   /   Tin tức   /   Trí tuệ Nhân Tạo AI
Thế kỉ 21 với sự bùng nổ của cách mạng khoa học- công nghệ, nhiều thuật ngữ mới mẻ được ra đời trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI). Vậy AI là gì, nó ảnh hưởng gì đến cuộc sống, nó có an toàn không và chúng ta có thể ứng dụng gì từ nó? Bài viết này sẽ giải đáp những thắc mắc cơ bản của bạn về AI một cách dễ hiểu nhất.

Định nghĩa về trí tuệ nhân tạo - AI
Trí tuệ nhân tạo - AI, tiếng anh là Artificial Intelligence, có nghĩa là trí thông minh của máy tính được tạo ra bởi những lập trình của con người với mục tiêu giúp máy tính có được hành vi thông minh tự động hóa giống con người. 
Con người sử dụng các hệ thống machine learning - học máy để làm cho máy tính có khả năng mô phỏng trí tuệ con người trong những xử lí mà con người thường làm tốt hơn máy tính. 
Nói cách khác là chúng ta nghiên cứu nguyên lí hoạt động trí thông minh ở người, cải biến và áp dụng nó lên máy tính một cách phù hợp, khiến chúng có thể xử lí các yêu cầu từ người dùng đạt kết quả như con người hoặc hơn con người
Ví dụ: AI giúp máy tính biết suy nghĩ và lập luận, giao tiếp bình thường, nói được như con người, tự học và thích nghi…
Tiêu chí để đánh giá AI của máy chính là cách chúng xử lý vấn đề dẫn đến kết quả tương đương với con người hay tốt hơn con người thì chúng sẽ được công nhận là có trí thông minh.
Tuy nhiên, hiện nay, định nghĩa về AI chưa thực sự thống nhất, còn tồn tại một số quan điểm khác nhau về trí tuệ nhân tạo AI 
Một số quan điểm về AI
Thứ nhất là ba hệ thống khác nhau về AI:
AI phân tích: dựa trên kết quả dữ liệu trong quá khứ để phân tích để thông báo các quyết định trong tương lai.
AI con người: có cả những yếu tố cảm xúc, nhận định, nhận thức như con người.
AI nhân cách hóa: có các đặc điểm của tất cả các loại trí tuệ nhận thức, cảm xúc và xã hội, có khả năng tự ý thức và tự nhận thức được trong các tương tác.
Thứ hai là 2 trường phái về AI:
Strong AI: máy tính có trí thông minh và chương trình thông minh hơn con người
Weak AI: chương trình máy tính mô phỏng hành vi thông minh của con người
Thứ ba là mô tả một vài định nghĩa khác về AI là:
Hành động giống con người
Suy nghĩ giống con người
Suy luận hợp lý
Hành động hợp logic
Tiềm năng phát triển và những lo ngại về AI
Con người hiện đại cần loại máy tính có thể xử lý lượng dữ liệu vô cùng lớn và đưa ra kết quả hợp logic nhất. Xã hội luôn hướng đến nền sản xuất chính xác, phức tạp hơn; mong muốn khám phá hết những bí mật của Trái Đất. Giấc mơ hiện thực hóa cuộc sống tự động, tự vận hành, tiết kiệm thời gian và sức lực.
Bạn có muốn chỉ cần ở một nơi nhưng vẫn điều khiển được cả thế giới. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ AI. Nói như vậy đủ thấy được tương lai tươi sáng và tiềm năng phát triển vô tận của AI. 
Tuy nhiên, đến thời điểm này, sự phát triển của AI vẫn gây nhiều tranh cãi. Việc máy móc có thể mô phỏng được trí thông minh và xử lý công việc với hiệu quả tương đương hoặc hơn con người tạo nên những tranh luận gay gắt. Giá trị nhân quyền, đạo đức, cơ hội việc làm của con người có thể bị đe dọa.
Ví dụ mới nhất là về một Robot có tên Sophia đã được công nhận là công dân chính thức của Saudi Arabia. Robot được hưởng đặc quyền hơn cả người nhập cư và phụ nữ quốc gia này.
Sophia tỏ ra vượt trội khi có thể giao tiếp, đưa ra các quan điểm, liên tục phát triển trí thông minh… Sophia từng “nói đùa” rằng “Tôi sẽ hủy diệt loài người”. Đó là một câu nói đùa đáng sợ.

Giáo sư Stephen Hawking từng nhận định: AI có thể đe dọa tương lai loài người chúng ta. Một khi đạt đến mức độ nào đó, chúng ta sẽ không thể dự đoán được mục tiêu cũng như khó lòng có thể kiểm soát được chúng.
Nếu AI tiếp tục phát triển vượt bậc, liệu nó có thể tự tiến hóa và quay trở lại chi phối con người hay không? Chúng ta sẽ phải chịu đựng chiến tranh giữa AI và con người như trong bộ phim “I, Robot” sao? 
Không ai có thể khẳng định chắc chắn ở thì tương lai nhưng dường như các báo cáo liên quan đến AI đang bị phóng đại quá mức khiến chúng ta choáng váng và sợ hãi vô ích. 
Con người hoàn toàn có thể kiểm soát và dự đoán được sự phát triển của AI để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực từ nó bằng cách “đảm bảo AI được thiết kế có đạo đức và có biện pháp bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt tại chỗ” (Stephen Hawking). 

Bài viết liên quan