18 CÂU HỎI HAY NHẤT BẠN CÓ THỂ ĐẶT RA CHO CÁC NHÀ “SĂN ĐẦU NGƯỜI”, ĐẠI LÝ TUYỂN DỤNG VÀ CÁC TRUNG GIAN GIỚI THIỆU VIỆC LÀM
Làm thế nào ông biết về tôi?
Các nhà “săn đầu người” ghét nghe câu hỏi này, nhưng dù sao bạn cũng phải hỏi, vì câu trả lời sẽ cho bạn biết nguồn thông tin nào (các trang tìm việc làm, mạng lưới, hay các dịch vụ) có thể mang lại cơ hội xứng đáng hơn trong quá trình tìm việc làm của bạn.
Đây là công việc ông làm đại lý tuyển dụng theo kiểu trả sau hay trả trước?
Câu hỏi này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mối quan hệ giữa người đại lý tuyển dụng và ông chủ (khách hàng) của họ. Nói chung thì các trung gian (retainer) có quan hệ mật thiết hơn với khách hàng, và sự chứng nhận của họ về bạn cũng có trọng lượng hơn.
Ông đang làm việc với người phụ trách nhân sự của khách hàng hay ông liên hệ trực tiếp với người quản lý?
Đừng ngại hỏi. Bạn muốn biết người đại lý tuyển dụng này có ảnh hưởng như thế nào đến khách hàng mà. Một cuộc tìm kiếm nhân sự trong đó đại lý tuyển dụng được liên hệ trực tiếp với người quản lý thường đem lại cơ hội nhận được việc làm cho bạn rất lớn.
Ông đã làm việc với công ty khách hàng này bao lâu rồi?
Câu hỏi này giúp bạn biết được người đại lý tuyển dụng có biết rõ về công ty khách hàng hay không. Hãy tìm kiếm những mối quan hệ lâu dài giữa người đại lý và công ty khách hàng.
Cá nhân ông đã giới thiệu bao nhiêu ứng viên cho công ty khách hàng này rồi?
Hãy tìm người đại lý tuyển dụng nào có kinh nghiệm thành công lâu dài với khách hàng, hay thậm chí tốt hơn là với nhà quản lý. Người đại lý tuyển dụng cần hiểu rõ nhu cầu của khách hàng để có thể xác định liệu bạn có phù hợp với vị trí tuyển dụng, với nhóm cộng tác, và với văn hóa doanh nghiệp hay không. Nếu nhà tuyển dụng chưa từng giới thiệu được ứng viên nào cho công ty, có thể họ thực sự không có sẵn công việc hay vị trí nào cho bạn. Điều họ đang làm chỉ là lôi kéo ứng viên để có thêm dữ liệu cho những công việc tuyển dụng sau này của họ mà thôi.
Hãy kể cho tôi biết tại sao ông lại chọn nghề tuyển dụng?
Không chỉ người đại lý tuyển dụng đang chọn lọc bạn, hãy cho họ thấy rằng bạn cũng đang chọn lọc họ. Hãy tìm hiểu thêm kỹ năng và kinh nghiệm của họ trong nghề tuyển dụng. Nếu người đại lý tuyển dụng đó mới chỉ có chưa đầy 2 năm kinh nghiệm, thì chứng tỏ họ vẫn còn đang trong quá trình học nghề.
Đến khi nào tôi mới được biết tên công ty khách hàng?
Mối quan hệ giữa người đại lý tuyển dụng và ứng viên cần được xây dựng trên cơ sở tin cậy, chân thực và tôn trọng lẫn nhau. Hầu hết các đại lý tuyển dụng sẽ cung cấp cho bạn thông tin về khách hàng ngay sau khi họ giới thiệu lý lịch của bạn tới khách hàng đó. Nếu nhà tuyển dụng không đồng ý với những điều khoản trên, bạn nên yêu cầu họ giải thích lý do tại sao họ phải giữ kín thông tin và sau đó quyết định xem bạn có muốn người này đại diện cho bạn để tìm việc nữa hay không.
Có thể cho tôi một bản mô tả công việc cụ thể hay không?
Có lẽ văn bản này không tồn tại, và cho dù có loại văn bản này thì bạn cũng không thể xin được; nhưng vẫn cứ nên hỏi. Nếu bạn nhận được một thứ gì đó liên quan, những thứ đó sẽ có thông tin quan trọng về các kỹ năng cần thiết, trách nhiệm, và có lẽ có cả khoản bồi thường khi nghỉ việc nữa. Ít nhất bạn cũng cần biết chức vụ và mức độ của vị trí mà bạn đang ứng cử.
Địa điểm làm việc ở đâu?
Bạn cần phải biết liệu công việc này có phù hợp với những yêu cầu về địa lý của mình hay không.
Trụ sở chính của công ty này ở đâu?
Bạn muốn biết liệu bạn có được làm ở trụ sở chính hay làm ở một chi nhánh. Trong trường hợp làm ở chi nhánh, bạn sẽ muốn biết nếu làm ở xa, bạn có cơ hội thăng tiến trong tương lai hay không.
Công việc này đòi hỏi tôi phải báo cáo với ai? Chịu trách nhiệm trước ai?
Bạn cần biết tên, hoặc ít nhất là chức vụ của cấp trên.
Anh có thể cho tôi biết tác phong quản lý của người lãnh đạo điều hành tôi không?
Bạn muốn có thông tin về người sẽ hướng dẫn bạn trong công việc càng nhiều càng tốt.
Tại sao vị trí công việc này còn để ngỏ?
Bạn muốn biết chi tiết về vị trí này. Đây có phải là vị trí mới hay không? Nếu không thì chuyện gì đã xảy ra với người tiền nhiệm? Anh/cô ta bỏ việc? Nếu vậy thì tại sao? Hay là anh/cô ta được thăng chức?
Điều gì xảy ra với người trước đây giữ chức vụ này?
Hãy tìm kiếm những dấu hiệu cho thấy người giữ chức vụ này trước đây đã được thăng tiến trong công ty.
Đây có phải là vị trí công việc mới hay không?
Nếu đó là vị trí công việc mới, điều này cho thấy công ty đang phát triển.
Vị trí này để ngỏ bao lâu rồi?
Câu hỏi này cho bạn biết được cơ hội của bạn và mức độ đắt giá của vị trí này. Nếu vị trí này đã bị bỏ ngỏ hơn 3 tháng thì hẳn phải có điều gì đó không ổn. Bạn cần tìm hiểu về vị trí này hoặc về công ty tại sao vị trí này lại khó kiếm người đảm nhận đến vậy.
Ông bắt đầu tìm kiếm nhân sự cho hợp đồng này từ bao lâu rồi?
Nếu người đại lý tuyển dụng cũng phải mất hơn 3 tháng để tìm người cho vị trí công việc này thì điều này quả là đáng nghi ngờ. Bạn cần tìm ra nguyên nhân của nó.
Mức lương công việc này là bao nhiêu?
Trong khi được những người phụ trách nhân sự hay quản lý tuyển dụng phỏng vấn, việc bạn đề cập vấn đề lương và bồi thường trước khi người phỏng vấn nêu ra là một điều tối kỵ. Còn trong trường hợp này thì câu hỏi kiểu này lại hoàn toàn chấp nhận được. Chẳng có lý do gì để phí phạm thời gian của nhau nếu yêu cầu của bạn và cấu trúc lương của vị trí này không phù hợp với nhau.